Sự
kiện chuỗi bán sỉ Metro Việt Nam về tay Tập đoàn Berli Jucker có thể coi
là điểm nhấn cho cuộc đổ bộ, vốn đã âm ỉ từ lâu, của các nhà phân phối
và hàng hóa Thái Lan.
Cơ hội kinh doanh tại gia đến với chị Mai (Khương Đình) khi căn nhà của
chị bỗng nhiên có được vị trí mặt tiền, sau khi con đường ven sông Tô
Lịch được quy hoạch lại. Giữa những cửa hàng tạp phẩm khác nhau đang mọc
lên san sát quanh đó, sau nhiều tính toán, chị quyết định mở một siêu
thị nhỏ bán đồ Thái Lan. "Từ những năm đầu 90, đồ nhập khẩu còn ít,
nhiều gia đình Việt Nam đã chuộng đồ Thái Lan. Giờ có lẽ vẫn vậy, nhiều
hàng hóa có mẫu đẹp, chất lượng tốt mà giá cũng rẻ", chị Mai nhận định.
Sống ở Hà Nội gần 30 năm nay, chị Mai còn nhớ ngày trước, để mua được
những bộ nồi, bàn chải đánh răng Thái Lan, nhiều người phải tới những
con phố trung tâm hoặc nhờ người nhà đi nước ngoài, nhưng nay nguồn hàng
này khá sẵn. “Trước đi nhặt đồ Thái Lan rất khó, nhưng nay di chuyển
thuận lợi hơn. Hà Nội cũng có nhiều đầu mối bán buôn nên việc tìm nguồn
hàng rất dễ”, chị Mai chia sẻ.
Từ chỗ lác đác vài điểm trên các con phố trung tâm Hà Nội và nhiều
thành phố khác, giờ đây, những cửa hàng, siêu thị mini, len lỏi trong
khu dân cư, bán đồ Thái Lan như gia đình chị Mai không còn hiếm, cho
thấy nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm "Made in Thailand" vẫn
lớn. Xu hướng tiêu dùng ấy cũng được các doanh nghiệp Thái Lan ghi nhận
và biểu hiện rõ nhất là việc cả ba tỷ phú giàu nhất Thái Lan đều ngỏ ý mua lại hoặc đầu tư vào ngành bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua.
Gia đình tỷ phú giàu nhất Thái Lan Chirathivat mới mở một trung tâm mua sắm tại Hà Nội.
|
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số
liệu của Forbes) - ông Charoen Sirivadhanabhakdi vừa công bố chi gần 880
triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.
Đây được coi là vụ mua bán – sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong
ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm
trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.
Trước đó, BJC đã hợp tác với một hệ thống bán lẻ khác là Family Mart
sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh này. Hệ thống sau
đó đã được đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC.
Trước thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD của BJC, báo chí nước
ngoài cũng đưa tin người giàu thứ hai Thái Lan, Chủ tịch Tập đoàn CP
Group Dhanin Chearavanont ra giá 500 triệu USD để thâu tóm Metro
Việt Nam song đã bị từ chối. Dù bất thành, CP Group vẫn tỏ tham vọng
thâm nhập sâu hơn vào hệ thống bán lẻ, phân phối của Việt Nam.
Ngoài hai đại gia muốn mua lại hệ thống siêu thị, người giàu nhất Thái
Lan theo xếp hạng của Forbes mới đây, gia đình Chirathivat - chủ hệ
thống bán lẻ Central Group trong tháng 4/2014 đã mở một trung tâm mua
sắm tại Hà Nội, mang tên Robins.
Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central Group đánh giá
Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng lớn với 90 triệu dân, trong đó
60% ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. “Việt Nam đã và đang
trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư
trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan”, vị này cho biết.
Bên cạnh đó, luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng lên
cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế trong nước và là đòn bẩy tiêu
dùng mạnh mẽ hơn trong cộng đồng khách hàng mục tiêu của Central. Sau
trung tâm đầu tiên tại Hà Nội, trao đổi với VnExpress, đại diện Robins tại Việt Nam cho biết tháng 11 này, hãng sẽ mở thêm một trung tâm thứ hai tại TP HCM.
Theo Central, việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm trên 10.000m2
tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong
khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua năm ngoái. Một khoản ngân
sách 15 tỷ bath (khoảng 460 triệu USD) đã được ông lớn này dự trù để mở
trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
“Chúng tôi sẽ dành khoảng 4-6 tỷ baht (120-190 triệu USD) cho mỗi siêu
thị tại một số nước trong khu vực ASEAN mà chúng tôi nhìn thấy cơ hội
phát triển”, bà Wallaya Chirathivat, Phó chủ tịch điều hành Central
Pattana - công ty chuyên kinh doanh mặt bằng bán lẻ thuộc Central Group
khẳng định.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến những nhà bán lẻ
Thái Lan tập trung mở rộng thị trường trong khu vực là cộng đồng kinh
tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành vào năm 2015, khi đó, hàng rào
thuế quan với nhiều mặt hàng sẽ được gõ bỏ.
Bà Busaba Butrat, Tham tán thương mại Sứ quán Thái Lan nhận xét, thị
trường Việt Nam đang rất thu hút các các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước
này do lợi thế dân số trẻ, có khả năng chi tiêu dùng ngay. Hàng hóa Thái
Lan cũng được ưa chuộng tại Việt Nam và cơ hội ngày càng rộng mở khi
năm 2015, nhiều hàng hóa nhập khẩu sẽ được miễn thuế. “Một số hãng siêu
thị lớn đang tìm hiểu và đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn để đầu
tư”, bà nói.
Trả lời báo chí Thái Lan hồi tháng 5/2014, ông Suthichart Chirathivat,
Phó Chủ tịch Central Group cũng nhận định ngành bán lẻ nội địa Thái Lan
hiện đã trưởng thành và có lợi thế hơn các nhà bán lẻ ngoại khác, việc
AEC hình thành sẽ cho phép các tập đoàn lớn trong nước mở rộng thị
trường. “Đây là thời điểm thích hợp để mở rộng kinh doanh bán lẻ của
mình ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam và Indonesia,
cũng như châu Âu”, ông này cho hay.
Hơn nữa, kinh tế tăng trưởng chững lại khiến các ông chủ Thái Lan khao
khát bành trước ra nước ngoài để thông qua mua bán – sáp nhập (M&A)
nhằm mở rộng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường nội địa. Theo
thống kê của Dealogic, tổng giá trị các M&A trong khu vực châu Á -
Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đạt mức kỷ lục gần 550 triệu USD
trong năm 2013, tăng 17% so với năm 2012. Thái Lan là quốc gia có các
thương vụ lớn nhất trong Đông Nam Á khi lần đầu tiên đạt 18,2 tỷ USD.
Sự thâm nhập của Thái Lan sẽ là cơ hội thúc đẩy tiêu dùng trong nước,
tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức
cho doanh nghiệp Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán
lẻ Việt Nam từng cảnh báo trong tương lai, hàng Thái Lan sẽ lấn át hàng
Việt nếu như các doanh nghiệp trong nước không nhanh nhạy xây dựng hệ
thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định việc tỷ
phú Thái Lai mua lại Metro là điều bình thường trong bối cảnh hội nhập
sâu rộng, nhưng điểm quan trọng là doanh nghiệp trong nước sẽ chuẩn bị
như thế nào. “Thái Lan đã có ý định thâm nhập vào Việt Nam rất lâu, từ
việc thường xuyên mở các hội chợ, thúc đẩy du lịch và tổ chức các đại lý
phân phối. Do đó, Việt Nam phải nhìn nhận làn song này kỹ càng”, ông
Phú nói.
Vị này khuyến nghị các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên tăng cường
hợp tác để giữ vững thị phần, tránh việc hàng hóa ngoại lấn át và cạnh
tranh giá cả. “Chúng ta đang khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, do
đó phải quy định trong siêu thị, cửa hàng phải bán bao nhiêu phần trăm
là hàng trong nước, bao nhiêu là hàng nước ngoài”, lãnh đạo Hiệp hội
siêu thị nhấn mạnh.
Fivimart, một trong những siêu thị nội phía Bắc mới đây đã mở thêm một
điểm kinh doanh tại Trường Chinh (Hà Nội) và đặt mục tiêu sẽ có 30 siêu
thị trên cả nước vào năm 2020. Saigon Co.op Mart cũng đặt mục tiêu mở
siêu thị tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người lao
động, thậm chí hợp tác với FairPrice và Mapletree (Singapore) để mở đại
siêu thị, trung tâm thương mại tại TP HCM phân phối hàng hóa số lượng
lớn.
Huyền Thư